Ứng phó dịch Covid-19: Nhà trường tự tin triển khai công nghệ số

2021-02-02 10:39:06
Do ảnh hưởng của Covid-19, nhiều địa phương phải cho HS nghỉ học. Tuy nhiên, không còn tình trạng bị động như trước, các nhà trường, GV sớm chủ động từ khâu chuẩn bị đến bắt nhịp với dạy học công nghệ số. 
Nhiều trường học chủ động và triển khai hiệu quả dạy học trực tuyến khi HS nghỉ học phòng chống dịch Covid-19Nhiều trường học chủ động và triển khai hiệu quả dạy học trực tuyến khi HS nghỉ học phòng chống dịch Covid-19

Phát huy nền tảng, kinh nghiệm

Tại trường Trường Tiểu học số 3 Võ Lào (Văn Bàn - Lào Cai) HS chưa phải nghỉ học phòng chống dịch Covid-19 song GV nhà trường đã sẵn sàng, tự tin bước vào việc dạy học trực tuyến.

Thầy Nguyễn Đức Nguyện – Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Sáng 1/2 trường tiến hành rà soát lại cơ sở vật chất, thiết bị máy móc từ nhà trường đến phụ huynh HS. Lên danh sách từng phụ huynh có máy điện thoại thông minh, phụ huynh nào chưa có; HS nào ở gần nhà HS nào và có thể học chung cùng nhau; Nhóm HS nào ở gần nhau nhưng chưa có thiết bị cần hỗ trợ…  

Trên cơ sở đó nhà trường sẽ có giải pháp hỗ trợ kịp thời từ vận động mua máy (theo hình thức trả góp); mượn cửa hàng điện thoại rồi cho phụ huynh HS mượn lại tạm thời; Thậm chí vận động các nguồn để hỗ trợ mua sắm miễn phí thiết bị học tập cho HS...

Thầy Nguyễn Đức Nguyện cho biết thêm, năm nay nhà trường đã tham mưu sớm cùng các cấp chính quyền để đưa ra giải pháp hỗ trợ với những gia đình khó khăn. Như vậy, nếu HS phải nghỉ học vì dịch thì 100% sẽ được học trực tuyến ngay, không bị ngắt quãng chuẩn bị. Mặt khác, 20 GV của trường sẵn sàng, thông thạo với việc dạy học trực tuyến... nên việc triển khai sẽ thuận lợi, hiệu quả.   

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Gần 100% HS Trường Tiểu học số 3 Võ Lao (Văn Bàn - Lào Cai) được học trực tuyến dù điều kiện cơ sở vật chất còn nhiều khó khăn. 

Được biết, 238 HS trường Tiểu học số 3 Võ Lào (Văn Bàn - Lào Cai) đều thuộc các thôn Chiềng 1 – 5, có đời sống khó khăn; 100% HS dân tộc Tày, Xa Pó nhưng bằng giải pháp hợp lý mà gần 100% HS của trường đã được học trực tuyến thời điểm dịch Covid-19 bùng phát năm 2020, góp phần ổn định và đảm bảo chất lượng giáo dục trong năm học qua và các năm học tới.

Sẵn sàng dạy học trực tuyến

Bà Trần Thị Hợi – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Khánh Nhạc B (huyện Yên Khánh – Ninh Bình) cho biết, HS Ninh Bình nghỉ học từ 4-16/2 sau đó bước vào nghỉ Tết. Sáng 1/2 trường đã thông báo tới GV toàn trường triển khai dạy học trực tuyến ngay lập tức khi HS nghỉ học để GV có sự chuẩn bị thao tác, lắp đặt máy móc, kết nối mạng… trước.

Mặt khác, từ nay đến Tết nguyên đán nhà trường sẽ tích cực tuyên truyền đến phụ huynh nếu dịch bùng phát, HS phải học online thì phụ huynh cần đảm bảo cơ sở vật chất cho HS học tập.

Ngoài ra, trường cũng đề ra nhiều phương án đảm bảo dạy học trực tuyến khác. Đối với gia đình có điều kiện thì chuẩn bị sẵn máy tính, điện thoại kết nối mạng cho HS học. Gia đình không có điều kiện sẽ tập trung 2-3 HS gần nhà học chung một máy.

GV các khối tự xây dựng lịch dạy học lệch thời gian biểu để trong trường hợp gia đình có 2 con cùng học sẽ không bị trùng thời gian, tận dụng thiết bị. Đặc biệt, lịch học sẽ bố trí vào hầu hết thứ 7, CN và các buổi tối để đảm bảo phụ huynh đã đi làm về.

Với giải pháp linh hoạt, bà Trần Thị Hợi bày tỏ niềm tin việc triển khai dạy học trực tuyến sẽ đạt được với gần 100% HS. Những HS thực sự khó khăn, không thể triển khai dạy học trực tuyến GV có trách nhiệm giao bài tận nhà để HS học trong suốt thời gian nghỉ học.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Đội ngũ GV đã được tập huấn và thành thạo với dạy học trực tuyến.

Bà Phạm Thị Huệ - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trí Yên (Yên Dũng – Bắc Giang) cho biết huyện Yên Dũng đã cho HS nghỉ học từ 1/2 đến khi có thông báo mới. Tuy nhiên, để việc dạy học không bị ngắt quãng và trong thời điểm HS khối 1 đợi cấp tài khoản học trực tuyến, sáng 1/2 nhà trường đã tận dụng nhóm zalo của GV với phụ huynh để giao bài cho HS tại nhà.

Theo bà Phạm Thị Huệ, việc triển khai dạy học trực tuyến năm nay có tiền đề từ năm trước nên gần như không còn khó khăn. Mặt khác, nhà trường đã khảo sát chặt chẽ về thời gian phụ huynh ở nhà để triển khai dạy học. Do đó không chỉ tận dụng tối đa các thiết bị máy móc phục vụ việc dạy học trực tuyến mà còn phát huy sự quan tâm kèm cặp của phụ huynh với học của HS.

Tuy vậy, bà Phạm Thị Huệ cũng băn khoăn ít nhiều về tính hiệu quả trong việc dạy học trực tuyến với HS lớp 1 bởi “các con vẫn còn bỡ ngỡ nhất định trong với việc tiếp kiến thức qua thiết bị công nghệ, cùng đó vẫn cần sự hỗ trợ kèm cặp trực tiếp của GV trên lớp...”.

“Việc học trực tuyến là giải pháp tình thế, hiệu quả không thể cao như trực tiếp. Song hy vọng với sự quan tâm, nỗ lực, khả năng dạy học trực tuyến tốt của đội ngũ GV thì kết quả sẽ khả quan.

Mặt khác, dạy học trực tuyến khiến HS không bị ngắt quãng học tập, không quên kiến thức… sẽ góp phần không nhỏ vào việc đảm bảo chương trình dạy học. HS dù tạm dừng đến trường phòng chống dịch vẫn không bị dừng học và đảm bảo kiến thức…” – bà Phạm Thị  Huệ bày tỏ.

 

theo giaoducthoidai.vn