“Xếp bút nghiên” lên đường chống dịch

2021-06-08 16:37:17

Tạm gác lại việc dạy và học, nhiều cán bộ, giảng viên, sinh viên đến từ các trường y khoa đã xung kích đến tuyến đầu chống dịch Covid-19.

 

 
Cô Huỳnh Thị Hồng Nhung - giảng viên Bộ môn Ngoại, Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam lấy mẫu xét nghiệm cho người dân ở huyện Việt Yên (Bắc Giang). Ảnh: NVCCCô Huỳnh Thị Hồng Nhung - giảng viên Bộ môn Ngoại, Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam lấy mẫu xét nghiệm cho người dân ở huyện Việt Yên (Bắc Giang). Ảnh: NVCC

Chưa biết ngày về

Hơn 10 ngày nay, Nguyễn Việt Hà – sinh viên Y đa khoa K13, Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam có mặt ở huyện Việt Yên – nơi được coi là một trong những điểm “nóng” về dịch Covid-19 của Bắc Giang. Việt Hà cho biết: Thời điểm này đang ôn thi, nhưng khi nhà trường phát động hoạt động tình nguyện đến Bắc Giang, em cùng nhiều sinh viên viết đơn xung phong đến “tâm dịch”. May mắn, đơn tình nguyện của em được Ban Giám đốc Học viện xét duyệt.

“Ban đầu cả đội dự kiến tham gia tình nguyện 10 ngày tại Bắc Giang nhưng do tình hình dịch bệnh phức tạp, nên cả đội tiếp tục ở lại, cùng “chia lửa” với tâm dịch và chưa hẹn ngày về” – Việt Hà bộc bạch, đồng thời cho biết: 10 ngày qua, em và đồng đội đã đến hơn 10 xã, khu dân cư của huyện Việt Yên. Mỗi ngày, cả đội lấy hơn 2.000 mẫu xét nghiệm, có hôm cao điểm lên đến 3.000 mẫu.

Nhiều hôm phải đến hơn 12 giờ đêm mới kết thúc công việc. “Mệt mỏi chỉ là cảm giác, chúng em không sợ khó, sợ khổ, chỉ mong dịch sớm được không chế. Vì thế, nếu phải ở lại Bắc Giang cho đến khi chiến thắng đại dịch, em cũng tình nguyện hoặc đi đến bất cứ vùng dịch nào nếu cần” – Việt Hà khẳng khái nói.

Đội tình nguyện luôn sẵn lòng hỗ trợ người dân khi lấy mẫu xét nghiệm Covid-19. Ảnh: NVCC

Cô Huỳnh Thị Hồng Nhung - giảng viên Bộ môn Ngoại, Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam – bày tỏ: Những ngày thầy – trò tham gia tình nguyện chống dịch ở Bắc Giang, là những ngày thanh xuân đẹp nhất.

Nơi đây, giữa mặt trận chống dịch sục sôi, ý chí can trường của đội ngũ y tế cả nước, nhân dân Bắc Giang, chúng tôi đã có những ngày rực lửa nhất của cuộc đời. Và xin dành riêng cho “Biệt đội săn Covid-19 VUTM” niềm tự hào và cảm phục. Cảm phục vì các em không bị khuất phục bởi cái nắng hè gay gắt, của nhiều điều “khó nói” khi khoác lên người bộ đồ bảo hộ cấp 4, và của những ngày làm việc triền miên trong nhiều giờ đồng hồ…” – cô Nhung viết trong nhật ký chống Covid-19 của mình.

Khi nhận được thông tin có trong danh sách đội tình nguyện chống Covid-19 ở Bắc Giang, cả đêm Mai Thị Phương Anh - lớp Điều dưỡng K6Đ, Trường Cao đẳng Y tế Bạch Mai (Hà Nội) mất ngủ vì hồi hộp. Phương Anh cho hay: Đây là lần thứ 5 em viết đơn tình nguyện tham gia chống dịch. Với em, đó không chỉ là vinh dự mà còn là nghĩa vụ và trách nhiệm của tuổi trẻ với cộng đồng. Chúng em mong muốn được tham gia, đóng góp sức mình, góp phần đẩy lùi dịch bệnh.

Ngay khi biết đơn tình nguyện của mình được Ban Giám hiệu duyệt, Lò Văn Cơ - sinh viên năm thứ 4, Trường Đại học Phenikaa đã đi xe máy từ Sơn La xuống Hà Nội để chuẩn bị vào tâm dịch. Cơ chia sẻ: Em luôn sẵn sàng xung kích trên mọi mặt trận chống Covid-19. Dù biết, phía trước có nhiều hiểm nguy đón đợi nhưng em sẽ không chùn bước, nguyện đem hết sức mình và những kiến thức đã học để “chia lửa” với tâm dịch.

Sinh viên Nguyễn Việt Hà (đứng đầu tiên) tham gia lấy mẫu xét nghiệm ở thôn Trung Đồng, xã Vân Trung (Việt Yên, Bắc Giang). Ảnh: NVCC

Trải nghiệm thực tế

Hiện, còn nhiều thầy – trò của các trường y dược tiếp tục tình nguyện “xếp bút nghiên” lên được chống dịch Covid-19 và xung kích trên mọi mặt trận. Ngay trong đầu tháng 6, hơn 300 sinh viên, giảng viên của Trường CĐ Y tế Bạch Mai lên đường hỗ trợ cho tỉnh Bắc Giang chống dịch. Phó Hiệu trưởng Bùi Minh Thu chia sẻ: Khoảng 1.000 sinh viên tình nguyện, tham gia chiến dịch hỗ trợ tiêm vắc-xin ở Bắc Giang. Trong đợt này, nhà trường cử hơn 300 tình nguyện viên là sinh viên, giảng viên đến Bắc Giang để hỗ trợ.

Mới đây, Trường ĐH Phenikaa tổ chức lễ xuất quân đoàn tình nguyện viên lên đường tham gia hỗ trợ phòng, chống dịch Covid-19 tại tỉnh Bắc Ninh. GS Phạm Thành Huy - Hiệu trưởng nhà trường cho hay: Đoàn tình nguyện gồm 24 thầy - trò khoa Điều dưỡng. Họ đều là những người nhiệt huyết, sẵn sàng xung phong vào tâm dịch. Trong số đó, nhiều em là sinh viên từ năm nhất đến năm thứ tư. Các em đã trở thành chiến những “chiến sĩ” tình nguyện tham gia hoạt động phòng chống dịch Covid-19, góp phần bảo vệ sức khỏe cho nhân dân. Đây chính là cơ hội để các em được trải nghiệm thực tế.

Theo PGS.TS Phạm Quốc Bình – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam, đoàn tình nguyện của Học viện sẽ hỗ trợ tỉnh Bắc Giang khoanh vùng, dập dịch. Các thành viên đoàn tình nguyện sẽ tham gia điều tra dịch tễ, truy vết, lấy mẫu, xét nghiệm, phục vụ khu vực cách ly….

“Chúng tôi ghi nhận tinh thần vì cộng đồng của các giảng viên và sinh viên đã không quản ngại khó khăn, nguy hiểm, sẵn sàng xung phong ra tuyến đầu phòng chống đại dịch, bảo vệ sức khỏe cộng đồng” - PGS Phạm Quốc Bình bày tỏ, đồng thời lưu ý: Thầy cô, các em không được lơ là, chủ quan; thực hiện nghiêm túc những công việc được phân công, giữ gìn sức khỏe và thực hiện đúng công tác phòng chống dịch bệnh. Quyết tâm thực hiện nhiệm vụ kép: Vừa chống dịch, vừa hoàn thành kế hoạch dạy – học năm 2020 - 2021.

“Đây cũng là chuyến công tác ý nghĩa, em có cơ hội được trải nghiệm thực tế, vận dụng kiến thức đã học vào công việc. Đây sẽ là bài học thực tiễn giá trị, giúp em có thêm nhiều kinh nghiệm quý sau khi ra trường” – sinh viên Lò Văn Cơ trải lòng.

Hiện, có trên 24.000 cán bộ, giảng viên, sinh viên, người học của gần 40 trường đại học, cao đẳng y dược trên toàn quốc đăng ký lên đường tham gia hỗ trợ phòng chống dịch Covid-19 tại Bắc Giang, Bắc Ninh. Tính đến đầu tháng 6, đã có trên 2.300 cán bộ, giảng viên, học viên và sinh viên các trường đại học, cao đẳng y dược đang tham gia hỗ trợ phòng chống dịch Covid-19 tại hai địa phương này.