Có nhất thiết phải khảo sát năng lực toàn bộ học sinh lớp 3, 7, 9, 11 của TPHCM?

2024-02-28 15:28:40

Toàn bộ học sinh lớp 3, 7, 9, 11 hệ công lập và tư thục ở Thành phố Hồ Chí Minh sẽ được khảo sát năng lực trực tuyến từ ngày 14/3/2024.

 

Theo đó, học sinh lớp 3 và lớp 7 sẽ khảo sát năng lực vận dụng; học sinh lớp 9 và lớp 11 khảo sát năng lực ngoại ngữ.

Đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: "Việc khảo sát năng lực nhằm đánh giá kết quả, chất lượng giảng dạy, học tập của học sinh, giáo viên Thành phố.

Trên cơ sở đó, Sở và các đơn vị sẽ có những giải pháp để phát huy điểm mạnh, khắc phục những điểm yếu trong công tác dạy và học”. [1]

Được biết, kết quả khảo sát năng lực của học sinh chỉ dùng để phân tích, phục vụ công tác nghiên cứu, tuyệt đối không dùng để so sánh, xếp loại, đánh giá học sinh và giáo viên.

Ngoài ra kỳ khảo sát còn hướng các nhà trường ra đề kiểm tra định kỳ theo mục tiêu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (là phát triển năng lực học sinh).

gdvn-hsgioilop9b-1215.jpgHình ảnh chỉ mang tính minh hoạ. (Nguồn ảnh: P.L/ giaoduc.net.vn)

Nhiều giáo viên nêu băn khoăn, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh có nhất thiết phải khảo sát toàn bộ học sinh lớp 3, 7, 9, 11?

Thứ nhất, để đánh giá chất lượng học tập (tất cả các môn) của học sinh phổ thông Thành phố Hồ Chí Minh theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, ngành giáo dục có thể dựa vào kết quả qua các bài kiểm tra thường xuyên và định kì (giữa kì, cuối kì).

Điều này được quy định ở Thông tư 27/2020/TT-BGDĐT đánh giá học sinh tiểu học và Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT đánh giá học sinh trung học cơ sở và học sinh trung học phổ thông.

Chẳng hạn, Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT quy định đánh giá thường xuyên, định kì đối với học sinh trung học cơ sở và học sinh trung học phổ thông rất chặt chẽ.

Cụ thể, đánh giá thường xuyên được thực hiện thông qua: hỏi - đáp, viết, thuyết trình, thực hành, thí nghiệm, sản phẩm học tập.

Đánh giá định kì (không thực hiện đối với cụm chuyên đề học tập), gồm đánh giá giữa kì và đánh giá cuối kì, được thực hiện thông qua: bài kiểm tra (trên giấy hoặc trên máy tính), bài thực hành, dự án học tập.

Người viết nhận thấy, việc đánh giá định kì hiện nay được hầu hết các nhà trường phổ thông tổ chức rất bài bản từ việc ra đề (theo ma trận đặc tả) cho đến coi kiểm tra và chấm bài kiểm tra.

Có thể khẳng định, kết quả kiểm tra này có độ tin cậy cao, lãnh đạo các nhà trường phổ thông và cơ quan quản lí giáo dục (Phòng/Sở Giáo dục và Đào tạo) hoàn toàn có thể đánh giá được chất lượng học tập của học sinh các cấp.

Thứ hai, ngành giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh cũng có thể lấy kết quả từ kì thi tuyển sinh 10 và kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông hàng năm để đánh giá chất lượng học tập học sinh.

Đối với kì thi tuyển sinh 10, kết quả của học sinh Thành phố Hồ Chí Minh được thể hiện qua 3 môn: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ (chủ yếu môn Tiếng Anh).

Ví dụ, năm 2023, Thành phố Hồ Chí Minh có tổng số 96.334 thí sinh đăng ký dự thi tuyển sinh 10. Kết quả thống kê điểm thi cho biết:

Môn Toán có gần 55% bài thi đạt trên trung bình, phổ biến ở mức 5-7 điểm. Môn Ngữ văn có khoảng 90% bài thi đạt điểm trên trung bình, trong đó hơn 12% bài thi đạt từ 8 điểm trở lên. Môn Ngoại ngữ có khoảng 32% bài thi đạt điểm giỏi (8 điểm trở lên). [2]

Còn năm 2022, khoảng 45% thí sinh dự thi vào lớp 10 công lập của Thành phố Hồ Chí Minh có điểm dưới trung bình môn Toán, Tiếng Anh. Môn Ngữ văn có gần 90% thí sinh đạt điểm 5 trở lên.

Còn kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông, kết quả của học sinh được thể hiện qua các bài thi: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, tổ hợp Khoa học tự nhiên: Vật lí, Hoá học, Sinh học và Khoa học xã hội: Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân.

Khâu ra đề, coi thi và chấm thi (kể cả thanh tra) kì thi trung học phổ thông rất chặt chẽ, đúng theo quy trình. Kết quả của kì thi này vẫn là một thông số quan trọng và đáng tin cậy để các nhà trường làm cơ sở đánh giá chất lượng học sinh.

Thứ ba, theo Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, kết quả khảo sát năng lực của học sinh chỉ dùng để phân tích, phục vụ công tác nghiên cứu.

Thiết nghĩ, để phân tích, phục vụ công tác nghiên cứu, ngành giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh có thể khảo sát đối tượng học sinh hẹp hơn theo địa bàn các quận, huyện - chứ không nhất thiết phải khảo sát cả Thành phố.

Việc khảo sát trên diện rộng khiến học sinh tốn thời gian, công sức để làm bài. Đáng nói, mặc dù việc khảo sát năng lực theo hình thức trực tuyến (giảm việc đi lại cho học sinh) nhưng khâu giám sát làm bài cũng là chuyện rất đáng bàn, vì có thể các em sẽ gian lận.

Điều băn khoăn là, kết quả khảo sát năng lực không dùng để so sánh, xếp loại, đánh giá học sinh, liệu các em có làm bài hết mình hay không?

Giả sử nhiều học sinh chỉ làm bài đối phó, kết quả không đánh giá chính xác năng lực học tập của từng em thì việc khảo sát nào có ích gì.

Thứ tư, để đánh giá đúng năng lực giảng dạy của giáo viên thì việc đầu tiên ngành giáo dục cần chú trọng đó là khâu tuyển dụng viên chức, chứ không phải chỉ qua một kì khảo sát học sinh.

Tiếp đến là việc bồi dưỡng, đào tạo giáo viên trong quá trình giảng dạy. Giáo viên cần được bồi dưỡng thường xuyên, tập huấn chuyên môn theo từng năm học để nâng cao trình độ.

Chưa kể, thầy cô còn tham gia các kì thi như thi giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi các cấp; thi làm đồ dùng dạy học; thi thiết kế giáo án STEM, tích hợp...

Sau cùng, kết quả kiểm tra đánh giá, điểm thi học sinh; sự tín nhiệm của đồng nghiệp, lãnh đạo, học sinh và phụ huynh là minh chứng rõ ràng nhất về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ giáo viên.

Nhìn chung, để triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành các Thông tư đánh giá học sinh phổ thông (như đã dẫn).

Ngành giáo dục địa phương tổ chức khảo sát học sinh là cách làm chồng chéo, vừa gây áp lực cho các em, vừa tốn ngân sách cho các khâu như chấm bài, xử lí kết quả...

Tài liệu tham khảo:

[1] https://tuoitre.vn/tp-hcm-khao-sat-nang-luc-hang-loat-hoc-sinh-de-lam-gi

[2] https://vnexpress.net/tp-hcm-cong-bo-diem-thi-lop-10-4619328.html

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Hương Ly
theo giaoduc.net.vn