Seo Jun năm nay 10 tuổi và cậu đang học tại trường tiểu học CharmSaem thành phố Sejong (Hàn quốc).
Mỗi ngày tới lớp, sự có mặt của Seo Jun đều được kiểm tra tự động ngay khi cậu bé bước qua cổng trường. Hệ thống này xác minh và kiểm tra sự hiện diện của học sinh dựa trên cử động của các em, các vị trí của học sinh đều được xác nhận và kết nối vào hệ thống máy chủ của trường mà không cần phải xuất trình thẻ học sinh hay dấu vân tay. Thông tin đó cũng được gửi cho các bậc cha mẹ học sinh ở dạng một tin nhắn nói rằng “ Seo Jun đã vào trường an toàn”.
Sau khi vào trường, Seo Jun đi thẳng đến một trang trại mini để kiểm tra cây cà chua của mình. Trang trại này trông giống như một nhà kính nhưng được trang bị bởi công nghệ thông tin hiện đại nhất để kiểm soát nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng và các yếu tố khác đối với sự trưởng thành của các loài cây rau quả khác nhau.
Jun giơ cái máy tính bảng mi ni lên một trong các cây cà chua của cậu bé và ngay lập tức nhận được các dữ liệu về tình trạng đất, nhiệt độ và độ ẩm hiển thị ngay trên máy tính bảng của cậu bé. Nó cảnh báo về độ ẩm vì vậy cậu bé ấn vào nút “nước” để bắt đầu tưới cây.
|
Một giờ học với bảng tương tác tại trường tiểu học CharmSaem |
Còn bạn của Seo Jun tên là Philip chăm sóc cây dưa chuột. Các học sinh như Jun và Philip tiếp thu được nhiều kiến thức từ loại thiết bị hiện đại này trong lĩnh vực giáo dục kết hợp với đời sống thực tế, môi trường thân thiện với thông tin ảo. Sử dụng IT, các em học sinh có thể vừa quản lý và kiểm soát trang trại trong khi tay lấm bùn đất thu hoạch cà chua. Sau đó, máy tính bảng thông minh của Jun nhận được một tín hiệu để tham gia lớp học “Du lịch Bốn Phương”.
Cậu bé đi vào lớp học có hình vòng tròn với các tường kính trong suốt đóng vai trò vừa là màn hình hiển thị vừa làm bảng học. Với các bức tường thông minh có thể lưu và chia sẻ các hoạt động của học sinh xung quanh lớp học, ở lớp của Jun không có sự phân biệt nào giữa học sinh ngồi trước và ngồi sau. Jun và bạn cùng lớp đang đi tới Alaska - một phần của kế hoạch đi thăm quan thế giới ảo. Cậu bé đã học toán thông qua các hoạt động trò chơi và học theo tình huống theo nhóm. Các tiết học như vậy được xây dựng dựa vào kiến thức văn hóa và được thiết kế để “học mà vui, vui mà học”.
Sau đó, lớp học của Jun được cô giới thiệu về đời sống động vật biển. Cô giáo của Jun trình chiếu cho lớp một video ngay trên không gian ở giữa lớp học. Các hình ảnh sống động hiển thị trên không trung dẫn dắt các em đến biển thật sự. Học theo cách quan sát bằng việc tương tác trực tiếp với cá voi và các chú rùa ở biển thông qua hình ảnh thật nâng cao tính hiệu quả của học tập nói chung. Hiệu quả của học tập nâng cao khi học sinh nghe và thấy những động vật biển thật sự như cá voi và rùa biển thật ở trong môi trường ảo. Sau khi có được trải nghiệm thực tế, Jun và các bạn tham gia vào học theo nhóm giải quyết các câu hỏi cùng nhau.
|
Trang thiết bị hiện đại dành cho học sinh |
Trường tiểu học CharmSaem mà Jun đang học là một trường công lập mới chỉ được thành lập năm 2010 theo mô hình kiểu mẫu trong ứng dụng lớp học thông minh và trường học thông minh nhằm đạt các mục tiêu giáo dục và chiến lược giáo dục thông minh của chính phủ Hàn Quốc cho đến năm 2015. Sự hiện đại trong tư duy giáo dục và những thiết bị giảng dạy thông minh đáng kinh ngạc đã đưa tên tuổi của ngôi trường này tới khắp thế giới. Ông Rhee Hye Ju, hiệu trưởng trường CharmSaem cho biết tới nay đã có tới trên 6 nghìn người từ các quốc gia như : Pháp, Mỹ, Úc, Newzealand, Trung Quốc, Ấn Độ, Anh quốc tới tham quan, học tập.
Những trường học thông minh như CharmSaem đang ngày càng phổ biến ở Hàn Quốc theo lộ trình đổi mới giáo dục đến năm 2015. Chính phủ Hàn Quốc và các trường đều xác định muốn đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục thì trước hết phải chuyển đổi mô hình giảng dạy, từ giảng dạy theo chủ đề khô cứng, lý thuyết xuông sang giảng dạy theo mô hình lớp học thông minh, theo năng lực của học sinh và kỹ năng của thầy cô tương tác với kỹ năng của học sinh. Để đạt mục tiêu này, công nghệ thông tin đóng vai trò quyết định.
Chính phủ Hàn Quốc đang cấp tập đưa sách giáo khoa điện tử vào trường học và đặt mục tiêu đến năm 2015 toàn Bộ hệ thống giáo dục Quốc dân sử dụng sách giáo khoa điện tử. Trên nền tảng này, các trường học tạo ra các iCloud trên nền điện toán đám mây để xây dựng một không gian dữ liệu điện tử, toàn trường kết nối với nhau trên Internet và các lớp học có tính tương tác rất cao.
Chính phủ Hàn Quốc đã công bố phân bổ 2 nghìn tỷ won từ ngân sách để xây dựng trường học thông minh, tập trung vào việc dạy và học được tùy biến theo dạng số hóa. Các trường sẽ phải trang bị mạng lưới Internet không dây cho phép học sinh học “bất cứ ở đâu và bất cứ khi nào”, cũng như hệ thống giáo dục có thể triển khai trên nhiều thiết bị khác nhau, bao gồm PC, laptop, máy tính bảng và TV nối mạng internet và các thiết bị tương tác.
Công nghệ thông tin đã góp phần đưa giáo dục Hàn Quốc tiến một bước dài, trở thành một trong những quốc gia có hệ thống giáo dục được đánh giá cao nhất thế giới. Công ty giáo dục Pearson vừa đưa ra bảng xếp hạng các nước có nền giáo dục tốt nhất trên thế giới và Hàn Quốc cán đích ở vị trí thứ 2 chỉ đứng sau Phần Lan. Bảng xếp hạng dựa trên kết quả của hàng loạt các cuộc thi quốc tế và nhiều thước đo nền giáo dục, trong đó có khả năng ứng dụng CNTT vào trường học.
Ông Rhee Hye Ju, hiệu trưởng trường CharmSaem: “Thiết bị thông minh đang làm thay đổi rất lớn giáo dục Hàn Quốc, giúp cho giáo viên của chúng tôi đỡ vất vả hơn trong công tác giảng dạy và dành nhiều thời gian để sáng tạo các bài giảng với các nội dung định hướng cho học sinh học tập một cách sáng tạo. Các thiết bị tương tác đã giúp cho học sinh và giáo viên hứng thú hơn, mang lại niềm vui trong học tập.”