Sản phẩm hữu ích cho cuộc sống từ giờ học STEM

2021-03-01 08:34:34

 

Vận dụng kiến thức liên môn thiết kế sản phẩm tuyên truyền phòng chống bệnh sán lá gan, làm nhà nổi chống lũ… là sản phẩm hữu ích trong cuộc sống. 

Cô Nguyễn Thị Chung nghe HS lớp 8A thuyết trình về sản phẩm nhà nổi chống lũ.Cô Nguyễn Thị Chung nghe HS lớp 8A thuyết trình về sản phẩm nhà nổi chống lũ.

Đặc biệt, đây là thành quả  của giờ học STEM, đã khơi gợi niềm đam mê của các em học sinh THCS tại thị xã Quảng Yên (Quảng Ninh).

Tiết học bổ ích

Từ kiến thức nền môn Sinh học lớp 7 với bài học về bệnh sán lá gan, dưới sự hướng dẫn của cô Đỗ Thị Thùy Linh, các em HS lớp 7A, Trường THCS Trần Hưng Đạo (phường Quảng Yên) đã vận dụng kiến thức liên môn thiết kế sản phẩm tuyên truyền phòng chống căn bệnh này rất sinh động.

Em Trần Hải Anh chia sẻ: Tổ em chọn xây dựng một đoạn phim hoạt hình dài 3 phút để tuyên truyền về căn bệnh sán lá gan. Chúng em mất khoảng 2 tuần để chuẩn bị. Với công cụ hỗ trợ là máy tính, điện thoại thông minh, chúng em đã tìm hiểu thêm thông tin trên các trang mạng về bệnh sán lá gan, học cách dựng phim, đồng thời sử dụng phần mềm Toonstartic tự lồng tiếng. Mặc dù, phải quay đi, quay lại nhiều lần và lồng tiếng rất khó nhưng chúng em - những “nhà dựng phim” không chuyên vẫn rất hào hứng. Những ngày làm việc với nhau chúng em thêm đoàn kết, gắn bó và tăng tính đồng đội.

Khác với nhóm bạn, nhóm em Vũ Thu Hà chọn xây dựng chương trình phát thanh măng non để tuyên truyền về sự nguy hiểm của căn bệnh. Nội dung tuyên truyền của nhóm này mang tên “Sán lá gan, nguyên nhân, triệu chứng, hậu quả và cách phòng bệnh”. 

Dưới sự hướng dẫn của cô Linh, 12 thành viên trong nhóm  phân công công việc một cách khoa học: Từ lên ý tưởng, phân công người dẫn chương trình, chuẩn bị phương tiện, tìm hiểu kiến thức đến xây dựng kịch bản, lồng tiếng... các em đều rất hứng thú. Học sinh Vũ Thu Hà cho hay: Về mặt kỹ thuật nhóm không gặp khó khăn nhưng vì các công cụ chưa thực sự chuyên nghiệp nên khi quay hơi ồn. Nhiều khi nghe lại sản phẩm có lẫn tạp âm, không hài lòng chúng em quay lại từ đầu. 

Cô Đỗ Thị Thùy Linh nhận định: Qua phần thực hành xây dựng các sản phẩm tuyên truyền bệnh sán lá gan, HS không chỉ khắc sâu được kiến thức đã học mà còn hiểu  thêm kiến thức của các môn học khác. Điều quan trọng qua mỗi sản phẩm STEM, các em thấy thành quả, công sức của mình trong đó. Qua định hướng của GV, HS tự rút ra kinh nghiệm, bài học cho mình để hoàn thiện hơn trong những sản phẩm tiếp theo.

Thầy Nguyễn Mạnh Liêm - Phó Hiệu trưởng Trường THCS Trần Hưng Đạo nhận xét: Cô Đỗ Thị Thùy Linh đã giúp HS tạo ra các sản phẩm tuyên truyền phong phú, chất lượng như phim hoạt hình, truyện tranh, phóng sự, poster. Trong quá trình thực hiện dự án, HS được trải nghiệm để thử thách bản thân; được trình bày, phản biện bảo vệ thiết kế và tạo ra các sản phẩm tuyên truyền ấn tượng, hiệu quả.

Cô Đỗ Thị Thùy Linh và HS lớp 7A, Trường THCS Trần Hưng Đạo trong tiết thực hành tuyên truyền về bệnh sán lá gan

Độc đáo nhà chống lũ 

Cô Nguyễn Thị Chung, GV Trường Tiểu học & THCS Cẩm La chia sẻ: Những năm gần đây thời tiết diễn biến thất thường, nước ta thường xuyên chịu các trận lũ lớn, hàng ngàn ngôi nhà bị nhấn chìm trong biển nước. Trước tình hình đó, HS lớp 8A có ý tưởng thiết kế và chế tạo nhà nổi chống lũ giúp người dân giảm thiểu thiệt hại trong mùa lũ. Để ý tưởng thành hiện thực, dưới sự hướng dẫn của cô Chung, HS đã nghiên cứu, vận dụng các kiến thức về Lực đẩy Ác-si-mét; Sự nổi; Khối lượng riêng, trọng lượng riêng.

Thông qua các kiến thức liên môn, HS thể hiện kỹ năng tính toán, vẽ được bản thiết kế nhà nổi chống lũ bảo đảm các tiêu chí đề ra. HS lớp 8A tự lập bản kế hoạch cá nhân, nhóm để chế tạo và thử nghiệm dựa trên bản thiết kế. Từ những nguyên liệu tái chế như các miếng xốp, ống hút bằng nhựa và một số vật dụng cần thiết để đo vẽ, rọc giấy, keo dính…, HS lên ý tưởng làm nhà nổi chống lũ với yêu cầu: Tải trọng của nhà là 3 kg; có tính ổn định cao khi nổi trên mặt nước; khi có lũ nhà nổi tại vị trí cố định, hết lũ nhà trở về vị trí ban đầu.

Cùng các bạn trong lớp chế tạo nhà nổi chống lũ, em Vũ Hương Ly thấy việc làm của mình thật ý nghĩa. Em tâm sự: Sản phẩm cho dù chưa tròn trịa và có thể chưa được ứng dụng thực tế nhưng với chúng em đó là một thành quả lớn trong quá trình gắn lý thuyết với thực tiễn học tập dưới mái trường. “Việc tự tìm hỏi, thu thập các vận dụng tái chế thân thiện với môi trường khiến cho chúng em thêm yêu thiên nhiên, có ý thức với sự sống, đoàn kết hơn trong học tập” - em Ly cho hay.

Theo thầy Vũ Minh Tuấn - Hiệu trưởng Trường Tiểu học & THCS Cẩm La, nhiều năm liền nhà trường có HS tham gia các cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp thị xã, tỉnh và quốc gia. Điều đó cho thấy nhà trường có nền tảng tương đối tốt về những bài dạy STEM. Các câu lạc bộ STEM của trường hoạt động khá tích cực, ở đó thầy cô trách nhiệm và học trò hào hứng. Ý tưởng làm nhà nổi chống lũ của HS lớp 8A rất hay và thiết thực. Nhà trường đánh giá cao tính vận dụng, sáng tạo của HS trong quá trình học. STEM thực sự có ý nghĩa khi những ý tưởng được gọi tên bằng những sản phẩm “mắt thấy, tai nghe, tay sờ”.

Đề tài mang lại sự hào hứng, chủ động, tích cực từ phía HS. Từ sự hướng dẫn của cô giáo, HS được khơi gợi niềm đam mê, khám phá, tìm tòi và vận dụng các kiến thức đã học vào giải quyết nhiệm vụ được giao. Trong khi thể hiện ý tưởng, các em có sự tương tác, thể hiện tinh thần trách nhiệm, giúp đỡ nhau trong mọi hoạt động. - Cô Nguyễn Thị Chung

 

 

theo giaoducthoidai.vn