Trẻ nước ngoài được dạy kỹ năng sơ cứu như thế nào

2022-04-22 16:18:21

Tại Mỹ, học sinh học sơ cứu từ bậc trung học; còn ở Anh, kỹ năng này được đưa vào chương trình tiểu học.

 

Sơ cấp cứu là hoạt động hỗ trợ ban đầu đối ᴠới người gặp nạn, bị thương tích, bệnh cấp tính trước khi có sự can thiệp của y tế chuyên nghiệp. Việc áp dụng sơ cứu đúng cách giúp giảm rủi ro tử vong, hỗ trợ điều trị và hạn chế thương tật vĩnh viễn... Nhiều quốc gia trên thế giới ý thức được tầm quan trọng của hoạt động này và triển khai giáo dục trong trường học từ rất sớm.

Theo St John Ambulance - một tổ chức phi lợi nhuận về sơ cứu, hoạt động ở nhiều quốc gia - cho hay, đào tạo về hô hấp nhân tạo cho học sinh bắt đầu ở Nauy vào những năm 1960. Kể từ đó, một số quốc gia khác đã triển khai dạy trẻ cách sơ cứu bắt buộc và hô hấp nhân tạo, gồm Canada, Anh, Mỹ và nhiều quốc gia châu Âu khác.

Cô Hồng thực hành ấn ngực, sơ cấp cứu trên mô hình người cao su trong buổi tập huấn năm 2019 do học khu ở bang Georgia, Mỹ, tổ chức. Ảnh: Nhân vật cung cấp

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Thực hành ấn ngực, sơ cấp cứu trên mô hình người cao su trong một buổi tập huấn năm 2019 do học khu ở bang Georgia, Mỹ, tổ chức. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Thạc sĩ giáo dục Đinh Thu Hồng, giáo viên tiểu học Học khu Gwinnett (bang Georgia) cho biết học sinh từ cấp ba ở Mỹ được học về sơ cấp cứu, thực hành trên mô hình người ở môn giáo dục sức khỏe. Giáo viên tại đây cũng bắt buộc có chứng chỉ về sơ cấp cứu. Ở học khu của cô Hồng, vào đầu năm, giáo viên được tập huấn một buổi trong ba tiếng, gồm lý thuyết và thực hành, các kỹ năng như hô hấp nhân tạo, cứu người bị hóc/nghẹn (Heimlich maneuver), cách cầm máu...

"Trong khoảng 10 năm đi dạy, tôi chưa từng phải dùng những kỹ năng được học nhưng vẫn cần phải biết, phòng khi có tình huống xảy ra ở sân trường, sân chơi hay trong phòng ăn, chúng tôi biết cách giúp học sinh", cô Hồng nói.

Cũng đưa sơ cứu vào chương trình, Bộ Giáo dục Anh cho biết từ tháng 9/2020, toàn bộ trường công ở nước này được yêu cầu dạy sơ cứu như một phần giáo dục sức khỏe cho trẻ em. BBC lúc đó dẫn lời Bộ trưởng Giáo dục Gavin Williamson cho biết chương trình giảng dạy sức khỏe mới sẽ mang lại cho mọi trẻ em "cơ hội học các kỹ năng cứu sống".

Theo đó, học sinh tiểu học ở Anh được dạy cách liên hệ rõ ràng và hiệu quả đến các dịch vụ khẩn cấp nếu cần, các khái niệm về sơ cứu. Học sinh cấp hai học cách điều trị cơ bản cho các chấn thương và bệnh tật thông thường; kỹ năng cứu sống, bao gồm cách thực hiện hô hấp nhân tạo; hoạt động của một số loại thiết bị như máy khử rung tim...

Quyết định bổ sung sơ cứu vào chương trình giảng dạy được đưa ra sau vụ đánh bom ở hội trường Manchester Arena, Manchester, tháng 5/2017. Sự kiện này cho thấy người dân đã cố gắng giúp đỡ nạn nhân nhưng hầu hết thiếu các kỹ năng cần thiết.

Ở Australia, việc đào tạo sơ cấp cứu không bắt buộc tại các trường học. Tuy nhiên, 97% thanh niên tin rằng giáo dục sơ cấp cứu sẽ cải thiện sự tự tin, kỹ năng và tâm thế sẵn sàng hành động của họ khi gặp khủng hoảng, theo The South Sydney Herald.

Một nghiên cứu do Hội Chữ Thập đỏ Australia thực hiện chỉ ra 88% người dân ở đây tin rằng đào tạo sơ cấp cứu nên bắt buộc đối với tất cả học sinh trung học. Wendy Greenhalf, trưởng bộ phận sơ cứu và đào tạo sức khỏe tâm thần tại Hội Chữ Thập đỏ Australia nói: "Chúng tôi nhận ra trong sân trường, trên sân thể thao, ở nhà hoặc đi chơi với bạn bè, những người trẻ thường là người phản ứng đầu tiên trong các tình huống khẩn cấp. Chúng tôi muốn họ trở thành những nhà vô địch sơ cấp cứu, sẵn sàng hỗ trợ và giúp đỡ khi có trường hợp khẩn cấp".

Nhiều tổ chức cung cấp dịch vụ đào tạo và sơ cứu trong trường học, như St John Ambulance Australia có các khóa sơ cứu cơ bản miễn phí cho học sinh ở tất cả tiểu bang và vùng lãnh thổ tại Australia.

"Bạn không bao giờ biết khi nào kỹ năng sơ cứu của mình có thể giúp bạn bè, đồng đội, đồng nghiệp hoặc người thân trong trường hợp khẩn cấp", Greenhalf nói.

 

Bình Minh

theo vnexpress.net