“Thí sinh ảo” là tất yếu, lành mạnh, vậy có cần hệ thống lọc ảo duy nhất của Bộ?

2022-05-09 17:16:03

Việc áp dụng quy trình và “hệ thống lọc ảo chung” như đề cập trong dự thảo quy chế tuyển sinh 2022 đang và sẽ gây khó khăn cho các trường, cho thí sinh.

Trong lúc nhiều trường đại học đã xây dựng đề án tuyển sinh và tiến hành nhận hồ sơ xét tuyển học bạ của thí sinh ngay từ đầu năm 2022 thì việc Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố dự thảo quy chế tuyển sinh mới, có nhiều thay đổi, nhưng đến thời điểm hiện tại (ngày 9/5) vẫn chưa ban hành chính thức khiến các trường đại học có phương thức xét tuyển bằng kết quả trung học phổ thông (học bạ) rơi vào thế bị động. Thậm chí, không ít trường phải kéo dài thời gian nhận hồ sơ và xét tuyển đợt 1.

Thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp Trung học phổ thông, xét tuyển đại học bằng hình thức trực tuyến. (Ảnh: Ngân Chi).

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về nội dung này, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính (Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá Chất lượng đào tạo - Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh) đã có những phân tích và đề xuất thẳng thắn, để đạt được hiệu quả cao nhất trong công tác tuyển sinh cho các cơ sở giáo dục đại học năm 2022.

Phóng viên: Thưa Tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính, thời gian qua, một số trường đại học đang kêu khó khi đứng trước yêu cầu “lọc ảo chung” theo dự thảo quy chế tuyển sinh mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Công tác trong môi trường đào tạo đại học nhiều năm, ông có đánh giá như thế nào về nội dung này, thưa Tiến sĩ?

Tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính: Để trả lời được câu hỏi này, trước hết, trên nguyên tắc, chúng ta phải phân tích được “lọc ảo là gì”, “thí sinh ảo là bình thường hay bất thường”, “có cần thiết phải lọc ảo hay không” và “nên lọc ảo chung trên toàn quốc cho tất cả các phương thức hay theo từng nhóm và cho từng phương thức”... Từ đó, mới có hướng giải quyết hiệu quả.

Thứ nhất, tỉ lệ “thí sinh ảo” là chuyện tất yếu và bình thường của tuyển sinh. Khi thí sinh có nhiều lựa chọn, sẽ nộp hồ sơ vào nhiều trường, nhưng khi trúng tuyển, chỉ xác nhận nhập học tại một trường. Như vậy chắc chắn có tỉ lệ ảo.

Trên toàn thế giới, các kỳ tuyển sinh đều có “thí sinh ảo”. Chúng ta thường tự hào khi thấy một học sinh của Việt Nam trúng tuyển cùng lúc nhiều trường đại học của nước ngoài, tất nhiên, học sinh ấy chỉ chọn một trường để học. Vậy là vẫn có tỉ lệ ảo, nhưng các trường vẫn tồn tại và hoạt động tốt.

Tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính (Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá Chất lượng đào tạo - Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh) đánh giá, việc thực hiện “lọc ảo” trên phạm vi toàn quốc là không cần thiết. (Ảnh: NVCC).

Theo tôi thì sự xuất hiện “thí sinh ảo” trong một kỳ tuyển sinh là bình thường và lành mạnh. Điều này thể hiện tính “mở” của hệ thống và sự tự chủ của các trường đồng thời đem lại nhiều cơ hội cho thí sinh để có thể tự do chọn lựa trường/ngành phù hợp nhất với nguyện vọng, năng lực, trình độ của bản thân.

Vấn đề tiếp theo, các trường có biện pháp nào để xử lý tỉ lệ thí sinh ảo hay không? Các trường trường đại học, cao đẳng hiểu rất rõ điều này và đã có nhiều biện pháp để bảo đảm lọc ảo giúp tuyển sinh thành công. Điều đó đã được thể hiện rõ ràng qua các năm qua.

Năm 2021, trong báo cáo tổng kết tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đã khẳng định kỳ tuyển sinh 2021 là thành công với tỉ lệ nhập học/chỉ tiêu của các trường đại học, cao đẳng cả nước là trên 95%, mặc dù vẫn có tình trạng ảo.

Các trường đại học, cao đẳng trên cả nước đã có những biện pháp hữu hiệu để “lọc ảo”. Như vậy việc đặt vấn đề thực hiện “lọc ảo” bằng một hệ thống duy nhất trên phạm vi toàn quốc cần được xem xét kỹ lưỡng. Việc “lọc ảo chung” trên phạm vi toàn quốc, cần có hệ thống phần cứng, phần mềm tốt, cần phải điều động và phối hợp tất cả các trường trong cùng một giai đoạn. Đây là công việc phức tạp, cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, nếu không sẽ khó có thể thành công.

Hãy để cho các trường tự chủ trong việc lọc ảo. Các trường đã và sẽ phối hợp với nhau trong công tác này. Ví dụ, các năm vừa qua, đều có nhóm lọc ảo bằng phương thức kết quả điểm thi trung học phổ thông khu vực phía Bắc với khoảng 60 trường, khu vực phía Nam khoảng 90 trường, hoạt động khá hiệu quả.

Phóng viên: Và không chỉ có những thay đổi về cách thức “lọc ảo” mà ngay cả thời điểm ban hành quy chế tuyển sinh dường như cũng đang “gây khó” cho các trường, nhất là những trường có phương thức tuyển sinh thông qua xét học bạ. Điều này có đúng không, thưa Tiến sĩ?

Tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính: Năm nay, khi dự thảo quy chế tuyển sinh quy định các trường phải “lọc ảo chung”, ngay lập tức, các trường có phương thức xét tuyển bằng học bạ gặp khó khăn. Bởi vì, các trường đều phải chờ đến khi thí sinh hoàn thành kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông, hoàn thiện đăng ký vào “hệ thống lọc ảo chung” của Bộ, rồi mới thực hiện lọc ảo. Các trường đều gặp khó, thí sinh cũng hoang mang, lúng túng.

Dự thảo của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng được công bố lấy ý kiến rất muộn, sau khi đa số các trường đại học đã chủ động đưa đề án tuyển sinh, triển khai các phương án tuyển sinh (mỗi trường có nhiều hơn 1 phương thức tuyển sinh) và đã triển khai công tác nhận hồ sơ...

Chưa kể, dự thảo quy chế quy định thí sinh đã đăng ký xét tuyển tại các trường lại tiếp tục phải đăng ký trên hệ thống chung. Điều này gây nhiều khó khăn cho thí sinh và chắc chắn phát sinh ra các khó khăn rắc rối khác cho các bên liên quan ví dụ như: thí sinh đóng lệ phí xét tuyển như thế nào? Nếu đã đóng tại trường rồi thì có phải đóng lại khi đăng ký trên hệ thống chung hay không? Thí sinh điền thông tin nguyện vọng xét tuyển không thống nhất trên 2 hệ thống thì giải quyết thế nào?

Việc áp dụng quy trình và “hệ thống lọc ảo chung” như đề cập trong dự thảo quy chế tuyển sinh 2022 đang và sẽ gây khó khăn cho các trường, cho thí sinh và nhiều khả năng sẽ dẫn đến một kỳ tuyển sinh không thành công.

Phóng viên: Vậy, để có một kỳ tuyển sinh thành công và hiệu quả trong năm 2022 này, ông có đề xuất gì không, thưa Tiến sĩ?

Tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính: Nếu Bộ Giáo dục và Đào tạo muốn xây dựng “hệ thống lọc ảo chung” nhằm hỗ trợ cho các trường và cho thí sinh, thì cần có sự chuẩn bị cụ thể và chu đáo. Cần xây dựng hệ thống phần cứng, phần mềm, hướng dẫn đầy đủ. Cần có sự thử nghiệm, thẩm định trước khi đưa vào áp dụng thực tiễn. Với kỳ tuyển sinh 2022 thì việc này là không khả thi vì cho đến thời điểm hiện tại (tháng 5/2022), “hệ thống lọc ảo chung” mới chỉ là ý tưởng sơ bộ được nêu trong dự thảo quy chế tuyển sinh, hoàn toàn chưa có hệ thống phần cứng, phần mềm, hướng dẫn.

Chính vì vậy, tôi xin có một số đề xuất như sau: Phát huy những điểm mạnh của kỳ tuyển sinh năm 2021. Quy chế tuyển sinh năm 2022 nên giữ cơ bản như năm 2021. Điều này sẽ giúp giữ ổn định hệ thống, tạo điều kiện cho cả nhà trường và thí sinh. Đặc biệt, nhóm thí sinh của năm 2022 đã chịu ảnh hưởng nặng của 2 năm chống dịch Covid-19, không nên gây thêm khó khăn cho các em.

Những cải tiến (ví dụ như “hệ thống lọc ảo chung”) cần được phân tích kỹ, các giải pháp cần được cụ thể, cần được đánh giá và chỉ triển khai khi đã được thẩm định. Hệ thống đăng ký xét tuyển, lọc ảo của năm 2022 cần xây dựng trên nền tảng của hệ thống của năm 2021.

Cụ thể là chỉ áp dụng cho phương thức dùng kết quả thi Trung học phổ thông. Thực hiện đăng ký xét tuyển sớm (có thể cùng thời điểm với đăng ký thi Trung học phổ thông), cho phép thí sinh thay đổi nguyện vọng sau khi có điểm thi Trung học phổ thông. Thực hiện lọc ảo chỉ với phương thức dùng kết quả thi Trung học phổ thông. Mở rộng phạm vi của 2 nhóm lọc ảo (khu vực phía Bắc và phía Nam), hoặc có thể thử nghiệm hệ thống lọc ảo bằng phương thức kết quả thi Trung học phổ thông cho toàn quốc trên nguyên tắc các trường tự nguyện tham gia.

Trân trọng cảm ơn những chia sẻ của Tiến sĩ!

Nhiều trường đại học phải kéo dài thời gian xét tuyển

Do dự thảo quy chế tuyển sinh năm 2022 có những thay đổi, nên các trường đại học đã “trót” đưa ra đề án tuyển sinh và triển khai nhận hồ sơ từ trước, đang phải dời lịch, chờ quy chế chính thức.

Có thể kể đến lịch tuyển sinh của Trường Đại học Kinh tế - Tài chính thành phố Hồ Chí Minh, theo đề án ban đầu, thời gian xét tuyển đợt 1 diễn ra từ ngày 15/2 đến 31/3; đợt 2 diễn ra từ ngày 01/4 đến 30/4.

Tương tự, trong đề án tuyển sinh của Trường Đại học Gia Định, phương thức xét tuyển theo kết quả học tập Trung học phổ thông (học bạ) được dự kiến chia 5 đợt; trong đó, xét tuyển đợt 1 (từ ngày 01/3 đến 31/3), xét tuyển đợt 2 (từ ngày 02/4 đến 29/4)... Nhưng đến thời điểm hiện tại, nhà trường vẫn đang chờ quy chế, chưa thể công bố kết quả xét tuyển như các năm trước.

So với các năm trước, lịch tuyển sinh đợt 1 của Trường Đại học Phenikaa đang bị lùi lại. Cụ thể, Phó giáo sư, tiến sĩ Phạm Thành Huy (Hiệu trưởng Trường Đại học Phenikaa) cho hay: “Thông thường, như mọi năm, nhà trường sẽ chia ra thành các đợt tuyển sinh và sẽ có một đợt tổ chức xét tuyển trong tháng 5. Tuy nhiên, với năm nay, các mốc thời gian đó của nhà trường bị lùi lại, chờ quy chế tuyển sinh chính thức của Bộ”.

Ngân Chi
Theo giaoduc.net.vn